Clinical Case 4

BÁO CÁO TRÌNH CA 04

Người trình: Hoàng Thị Tâm

Ngày trình: 07/12/2019

Phần 1: Trình ca

Nhân khẩu học:

- Thân chủ (TC), nam, 28 tuổi, là kỹ sư điện, đạo Thiên Chúa

- Ba mẹ là người miền Trung, đang ở quê

- TC lên Saigon học đại học và làm việc cho đến nay. TC sống với gia đình người chị gái. TC đang làm hồ sơ đi Canada học Master.

- TC là con út trong một gia đình có chị, 3 anh và TC.

Phát hiện chính:

- TC than phiền bị mất ngủ, mệt mỏi, tim đập nhanh, đau dạ dày, giảm tập trung, không thể ôn thi IELTS (là một chứng chỉ Anh văn bắt buộc để nộp hồ sơ xin học Master ở Canada).

- TC phân vân giữa việc tiếp tục hay chia tay với bạn gái nên đến phòng tham vấn tâm lý ở nhà thờ nhờ giúp đỡ.

- TC có vẻ mặt u sầu, khá e dè.

- Vấn đề của TC:

+ TC quen một bạn gái trong nhóm sinh viên Công giáo (cùng cầu nguyện chung, chia sẻ đức tin, công tác xã hội, giúp đỡ nhau…). TC theo đuổi cô này khoảng 2 năm. Hai người chỉ “chat” và sinh hoạt chung với nhóm.

Theo TC, “bé” (nhỏ hơn TC 7 tuổi) rất dễ thương, có đời sống đức tin rất tốt (chăm chỉ cầu nguyện, siêng năng đi lễ…), phù hợp gần như tuyệt đối các tiêu chí tìm vợ của TC.

Từ tháng 3/2019, sau chuyến đi Canada về, tình cảm của 2 người tốt hơn lên và TC đã tỏ tình khoảng 4 tháng nay và được bạn gái đáp trả lại.

+ Vì lý do kinh tế, cô bạn gái phải tạm ngưng học để đi làm nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ. Trong một chuyến đi công tác ở tỉnh, bạn gái đã bị sếp xâm hại. Sau đó cô ấy nghỉ làm . Chuyên này xảy ra cách đây

1 năm (trước khi nhận lời làm bạn gái của TC).

+ Trong thời gian quen và yêu nhau, hai người trao đổi rất nhiều về gia đình, quan điểm sống…(trong đó, TC bày tỏ rất rõ là “không chấp nhận việc quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân”). Chính vì vậy, cô bạn gái đã thú thật về chuyện bị xâm hại. Theo lời kể của TC, sau 5 lần gặn hỏi, bạn gái đã kể lại thật chi tiết về lần bị xâm hại đó và theo cô ta, cô chưa thực sự QHTD.

+ Từ khi biết chuyên này, TC rất đau khổ, buồn bực và không thể chấp nhận được. TC cho rằng bạn gái “quá dễ dãi”, nhưng có lúc lại “tội nghiệp cho bé”. TC tiếc nuối vì “bé là người rất đạo đức”(thường xuyên đi lễ, chăm chỉ cầu nguyện), nhưng nếu chấp nhận thì “em thấy mình bị lỗ so với bạn bè” và “em không quên được, em sẽ dằn vặt cô ấy sau này…”

Nền tảng:

- TC đã từng chứng kiến vài lần cảnh ba mẹ QHTD lúc TC học cấp 1 vì ngủ chung với ba mẹ. Lần đầu tiên, TC không biết chuyện gì đang xảy ra và cảm thấy bực bội. Các lần sau, TC quan sát một cách tò mò hơn. Lên cấp 2, TC bắt đầu thích thú, tưởng tượng chuyện đó và đôi lúc còn nằm mơ.

- Năm 19 tuổi, trong kỳ nghỉ hè ở quê, lúc đó, ba mẹ TC có thuê một bác sĩ nữ (lớn hơn TC 7,8 tuổi) đến nhà chăm sóc bệnh cho bà ngoại. Một hôm, “chị ấy” đã chủ động ôm TC và được TC đáp lại. Theo lời TC: “chưa xảy ra việc nghiêm trọng”, “em mừng vì em dừng lại kịp”. Sau đó, TC thấy lo sợ và đề nghị cô ấy uống thuốc tránh thai khẩn cấp.

TC kể lại chuyện này cho chị gái nghe. Ba mẹ biết chuyện, đánh giá thấp cô bác sĩ và cho cô ấy nghỉ việc, đồng thời la rầy TC. Mẹ TC nói với con rằng ; “may mà con không mất đời trai”. TC “ không có cảm giác tội lỗi” ngay lúc đó.

Hết thời gian nghỉ hè, TC trở lại Saigon để tiếp tục học và không gặp lại cô bác sĩ. Đến nay, TC vẫn còn nhớ chuyện này và cảm giác có lỗi.

- Vào đầu năm 2019, TC đến phòng trọ một người bạn (theo TC, cô này có tình cảm với TC) học Anh văn chung vì cô này giỏi tiếng Anh hơn. Tối hôm đó, cô bạn này bị ngộ độc thức ăn (ói, tiêu chảy, đau bụng…) nên TC ở lại chăm sóc. Đến sáng, cô bạn này “tấn công” và hôn TC. TC cũng đáp lại, nhưng cuối cùng TC “đã dừng lại kịp”.

- Sau hai lần bị 2 cô gái tấn công, mặc dù TC vẫn đáp trả lại, nhưng TC cho rằng “con gái quá dễ dãi” và “QHTD là một việc thiêng liêng” nên TC càng củng cố hơn quan điểm sống “ không chấp nhận QHTD trước hôn nhân”.

Ý kiến:

- Em nghĩ là TC bị mắc kẹt ở giai đoạn Oedipe, nhưng em không giải thích được. Bởi vì, TC đã từng chứng kiến cảnh ba mẹ QHTD lúc nhỏ, khi bị 2 cô gái tấn công, TC vẫn đáp lại một cách rất bản năng nhưng lại “ngừng kịp lúc” mà TC lại là một thanh niên trẻ. Hơn nữa,TC đã từng (2 lần) thực hiện hành động QHTD với 2 cô gái nhưng lại rất quyết liệt trong việc không chấp nhận người yêu của mình đã bị xâm hại (gặng hỏi đến 5 lần từng chi tiết sự việc đó, bán tín bán nghi người yêu của mình còn hay mất “sự trinh nguyên”, rồi đau khổ, tiếc nuối…)

- Nhân cách của TC: Có lẽ TC là con út nên luôn được bảo bọc, cưng chìu, ảnh hưởng của cách giáo dục, cách đối xử gia trưởng của gia đình và được củng cố hơn qua lời nói của mẹ sau khi biết chuyện xảy ra với cô bác sĩ “may mà con không mất đời trai”. Vì thế, TC đổ lỗi cho 2 “cô gái quá dễ dãi” và cho rằng mình không chịu trách nhiệm với việc mình làm với 2 cô gái đó.

Can thiệp và kế hoạch:

a/ Can thiệp:

TC đã đến 3 phiên, mỗi phiên khoảng 1 giờ - 1giờ10’

- Lắng nghe, đặt câu hỏi mở, câu phản hồi cảm xúc để hiểu được vấn đề của TC. Buổi đầu tiên, TC khá dè dặt nhưng 2 buổi sau, TC cởi mở hơn.

- Gợi ý TC viết ra những tiêu chí chọn vợ và những đức tính của bạn gái rồi so sánh để TC xác định vì sao mình yêu bạn gái và nhìn lại những mong đợi của TC đối với người vợ sau này. (TC viết rất cẩn thận và sau khi đưa tham vấn viên xem, TC đã xin lại để đem về nhà).

- Cuối phiên 3, em vẽ cho TC 1 hình chữ nhật (tượng trưng cho tờ giấy trắng), trong hình chữ nhật đó, em vẽ một hình tròn được tô đen (tượng trưng cho vết mực đen) và em đề nghị TC về suy nghĩ xem khi nhìn tờ giấy trắng có 1 vết mực đen như vậy TC sẽ nghĩ như thế nào và làm gì với vết mực đen đó.

b/ Kế hoạch:

- Dự kiến sẽ gặp TC 2 phiên nữa vì TC sẽ đi Canada cuối tháng 12 này. Vì vậy, 1 phiên em sẽ tóm tắt các vấn đề để xem TC quan tâm vấn đề nào nhất và TC có chia sẻ thêm điều gì nữa không. Hiện giờ, TC vừa muốn tập trung việc đi học ở Canada vừa muốn giải quyết việc tiếp tục hay chia tay bạn gái. Trong phiên thứ 2, TC có nói “em sẽ lấy lý trí đè cảm xúc” (lúc nói câu đó, TC cúi đầu và rơm rớm nước mắt).

- Nghe TC giải bài tập “vết mực đen trên tờ giấy trắng” để tìm hiểu thêm về tính cách của TC.

- Phiên cuối, em sẽ cùng với TC phân tích các lựa chọn của TC và cách thức TC thực hiện, đồng thời động viên, khuyến khích TC.

Lý do trình bày:

- Vấn đề của TC phải chăng là do ảnh hưởng cách giáo dục của gia đình, của nền văn hóa ? Cho nên TC là người ái kỷ, không chịu trách nhiệm với việc mình làm, suy nghĩ bất bình đẳng giới, có quan điểm khá cứng ngắt về việc QHTD trước hôn nhân.. . Đây là trường hợp cá biệt hay đó là 1 xu hướng tâm lý của một số thanh niên đã có những rối loạn tâm lý xảy ra thời thơ ấu ở giai đoạn Oedipe?

- Nếu trẻ em nhìn thấy cảnh cha mẹ QHTD thì có phải sẽ bị những vấn đề về tình dục sau này không? Nếu có , biểu hiện ra sao và cha mẹ hay các tâm lý gia sẽ giúp các em như thế nào? Bởi vì, điều kiện sống chật chội của khá đông gia đình người Việt nên cha mẹ thường ngủ chung với các con nhỏ.

- Cách em xử lý ca này đã hợp lý chưa?

Chân thành cảm ơn các cô !

Hoàng Thị Tâm

Phần 2: Những ghi nhận sau khi trình ca

(Chữ viết tắt: TVV: Tham vấn viên

TC : Thân chủ

QHTD: quan hệ tình dục)

1/ Về bản thân:

- Em rất vui khi được các cô góp ý và gợi mở cho em những hướng để tìm hiểu kỹ và làm sáng tỏ vấn đề của TC.

- Chỉ tiếc là TC sắp đi Canada nên chỉ gặp em thêm 2 phiên nữa. Vì vậy, em chỉ có thể giúp TC nhìn lại vấn đề của mình và khuyến khích TC tiếp tục gặp tâm lý gia ở Canada.

- Bản thân em nhận thấy kiến thức nền của mình chưa tốt nên sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

2/ Về những góp ý và cố vấn của các cô:

- TC cần phải nhận biết lại hệ thống niềm tin của mình về mối quan hệ nam – nữ không chỉ dựa vào các đặc điểm bên ngoài mà còn những phẩm chất đạo đức…

- TVV giúp TC hiểu được mối quan hệ lành mạnh là tôn trọng lẫn nhau, cho nhau không gian riêng, không giới hạn khả năng của mình và của người khác và mối quan hệ không lành mạnh là sử dụng bạo lực, điều khiển người khác. Từ đó xác định ranh giới lành mạnh, dựa trên sự giao tiếp và sự tin tưởng lẫn nhau, không xâm chiếm, cưỡng ép, điều khiển , kiểm soát và bạo lực với bạn đời.

- Hỏi TC về suy nghĩ của mình về tình dục, về phụ nữ, về cảm xúc khi thấy cha mẹ quan hệ tình dục (QHTD), về tình cảm gia đình…

- TC học giới tính và tình dục từ đâu? Có được cha mẹ hay các thầy cô dạy hay tự tìm hiểu qua sách báo, phim ảnh hoặc trên internet?

- TC nhìn thấy cảnh cha mẹ QHTD lúc còn nhỏ trước khi tiếp xúc tình dục nên TC bị có cái nhìn sai lầm về tình dục. Nếu được giáo dục về giới tính và tình dục trước khi “va chạm” đến nó thì TC sẽ hiểu biết đúng và có những ranh giới rõ ràng nhất là lúc đó bản thân TC chưa có giá trị sống.

- Có thể xem là TC bị xâm hại 3 lần:

+ với cô bác sĩ

+ với người bạn học chung Anh văn

+ khi nghe bạn gái bị sếp xâm hại (TC cảm thấy như mình đang bị xâm hại).

TVV phải tìm hiểu cái gì đã làm cho TC “đau đớn”, nhất là khi nghe bạn gái bị xâm hại, phản ứng của TC như thế nào. Có phải TC đang phóng chiếu sự ghét bỏ và sự đổ lỗi cho bản thân mình khi bị xâm hại lên cô bạn gái, nhất là khi TC có những trải nghiệm sai lệch về tình dục sau 2 lần bị xâm hại? Hai lần xâm hại đó, TC bị cưỡng ép ,giống như là bị hiếp dâm vậy. TC cho rằng người bị xâm hại là người có lỗi và cô bạn gái cũng “quá dễ dãi” nên bị sếp xâm hại. TC bị đè nén cảm xúc và bây giờ TC không đè nén được nữa nhất là khi biết cô bạn gái bị xâm hại ,TC cảm thấy như là mình đang bị xâm hại. Điều này khiến cho TC không học được, mất ngủ, đau dạ dày, tim đập nhanh, mất kiểm soát…

TVV phải giúp cho TC hiểu rõ là TC có lỗi hay không, lỗi như thế nào, có làm hại ai không, TC có tội nghiệp cho bản thân mình và bạn gái khi bị xâm hại hay không, có biết là người bạn gái cũng bị cưỡng ép hay không. Tại sao bây giờ, TC mới thấy có lỗi. Chuyện gì xảy ra khiến TC nhận ra lỗi của mình … .Bởi vì khi TC biết thương cho bản thân mình, thấu hiểu sự khó khăn, đau khổ của người bị xâm hại, biết tha thứ cho bản thân mình thì TC mới thấu cảm và không đổ lỗi cho cô bạn gái nữa.

Mặt khác, TC đạo Thiên Chúa nên bị ảnh hưởng bởi những giáo điều của tôn giáo khiến cho TC luôn cảm thấy có lỗi nhất là việc QHTD trước hôn nhân. Và như thế, việc cô bạn gái bị xâm hại là điều rất cấm kỵ và rất nghiêm trọng đối với TC để đưa đến quyết định có tiếp tục tìm hiểu và chọn lấy làm vợ hay không.

- Vì TC bị ảnh hưởng của tôn giáo nên TVV khuyến khích TC qua Canada có thể tìm đến những tâm lý gia ở các cơ sở tôn giáo, một linh mục chẳng hạn, để họ dạy cho TC về luân lý của đạo và đời…

- Đây không phải là sự rối loạn tâm lý của giai đoạn Oedipe.

- TVV giúp TC nhìn lại mối quan hệ với cô bạn gái: sự tin tưởng, có thực sự yêu không, cần phẩm chất tốt đẹp của một người vợ hay cần cái gì…Vì nếu tin yêu thì TC không tra hỏi (5 lần) một cách tỉ mỉ việc cô bạn gái bị xâm hại. không cho là “cô ấy quá dễ dãi” và không đặt nặng vấn đề là cô ấy còn hay mất “trinh”, sợ “thua lỗ, mắc cỡ với bạn bè” (lỗ là lỗ cái gì và tại sao) …

- TVV không phán xét TC mà phải hiểu lối suy nghĩ của TC là do ảnh hưởng của văn hóa, của môi trường sống khá cổ hủ… nên TC có những quan điểm chưa đúng về tình dục vì bị ám ảnh chuyện bị xâm hại, bị phơi nhiễm từ nhỏ cảnh cha mẹ QHTD, không được dạy dỗ trước khi tiếp xúc với tình dục…

Từ đó, giúp TC xây dựng lại niềm tin mới, cái nhìn thoáng hơn về tình dục- là một chuyện bình thường xảy ra trong cuộc đời, quan niệm “còn trinh” làm méo mó tình dục, méo mó giá trị sống, không đánh giá đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của một con người và cuộc đời không thể phân biệt trắng đen rõ rệt được. Ngoài ra, giúp TC hiểu biết mình là ai, hiểu bạn đời của mình và khi có xung đột phải giải quyết một cách công bằng, hợp lý, tôn trọng, hỗ trợ và xây dựng lẫn nhau, không áp đặt, không giới hạn khả năng của mình và của người khác…

- TVV giúp TC suy nghĩ đến cùng, làm rõ việc TC không có lỗi và người bạn gái cũng không có lỗi. Có chăng là do cá tính của TC: không tin tưởng, thích điều khiển, suy nghĩ theo kiểu trắng đen…,ảnh hưởng của nền văn hóa, gia đình, môi trưòng và những trải nghiệm sai lệch về tình dục.

- TVV cũng cần tìm hiểu thêm mối quan hệ của cha mẹ TC, lý do và cảm giác của TC khi “dừng kịp lúc”; tìm hiểu xem cô bạn gái sau khi bị xâm hại đã nói với ai chưa, có bị chấn thương không, gặp những khó khăn như thế nào…

- Với thời gian quá ít (2 phiên), TVV phải lựa chọn chuyện gì cấp thiết để nói với TC, tránh đưa ra quá nhiều vấn đề mà không giải quyết được.

Phần 3: Báo cáo sau khi gặp thân chủ 2 phiên cuối

Phiên 1: Mục tiêu: Giải bài tập “Vết mực đen trên tờ giấy trắng”. Từ đó hiểu được quyết định của TC với cô bạn gái.

TC khá mệt mỏi vì lo lắng cho việc đi học ở Canada quá gần kề và phải cân nhắc quyết định tiếp tục hay chia tay với bạn gái.

Sau khi TVV tóm tắt lại câu chuyện và vấn đề của TC, nói lại mục tiêu của phiên hôm nay, TVV hỏi TC về bài tập đề nghị lần trước.

TC nói “ em vẫn nhìn thấy vết mực, em không sao quên được chuyện bạn gái bị sếp làm bậy… Chắc em chia tay thôi”. (khi nói điều này, vẻ mặt TC rất là buồn và cúi mặt).

TVV phản hồi cảm xúc của TC và hỏi lại sự phân vân của TC “chắc em…”

TC cũng đưa ra những lý do như các phiên trước.

TVV hỏi TC về việc học tình dục với ai và như thế nào. TVV giúp TC nhìn lại cách suy nghĩ méo mó của TC về tình dục vì bị ám ảnh chuyện cũ và dạy cho TC có cái nhìn đúng đắn về tình dục, là một chuyện bình thường trong cuộc đời và quan niệm “trinh tiết” cũng do nền văn hóa và quan điểm sống của mỗi người, không đánh giá hết giá trị của một con người.

TVV đề nghị TC đưa lại tờ giấy ghi tiêu chuẩn chọn vợ và đặc điểm của cô bạn gái. TVV cùng TC nhìn lại sự mong mỏi, TC cần gì ở một người vợ, suy nghĩ về tình cảm gia đình, mối quan hệ vợ chồng… Quan trọng hơn hết là xác định lại TC có yêu bạn gái hay không, có tin bạn gái hay không? Và nếu yêu thì phải đối xử nhau ra sao nhất là khi cô bạn gái gặp tai nạn? TC trả lời rất ngập ngừng và lập lại.

TVV còn giúp TC hiểu được mối quan hệ lành mạnh là sự tôn trọng, yêu thương, tin tưởng và giúp đỡ nhau…không áp đặt, không giới hạn khả năng của nhau, không sử dụng bạo lực…

Cuối phiên, TVV tóm tắt phiên làm việc và hỏi cảm xúc của TC. TC bày tỏ cảm xúc nặng nề, không thoát ra được những suy nghĩ “nên hay không nên”…nhưng hứa sẽ đến phiên cuối và suy nghĩ thêm những gì TVV nói hôm nay.

TVV thông báo nội dung của phiên tiếp theo và khuyên TC nên giữ gìn sức khỏe vì cơ thể khỏe mạnh thì đầu óc mới tỉnh táo và đưa ra quyết định sáng suốt được.

Phiên cuối: Mục tiêu: Nương theo cảm xúc và quyết định của TC, nâng đỡ, cùng TC đưa ra giải pháp tốt nhất và động viên TC tiếp tục gặp tâm lý gia ở Canada để được giúp đỡ.

Ở phiên này, TVV nhận thấy TC tươi tỉnh hơn lần trước. TC chỉ gặp TVV 30 phút vì bận việc.

TVV tóm tắt lại câu chuyện của TC, nhắc lại sự mong mỏi của TC khi đến gặp TVV và hỏi thăm cảm xúc của TC hiện giờ.

TC lo lắng cho chuyến đi học xa, lo lắng bản thân có học nổi hay không. Về chuyện tình cảm, TC cho biết sẽ chia tay với bạn gái dù rất đau lòng và tiếc nuối. (Vẻ mặt TC khá buồn rầu)

TVV tôn trọng quyết định của TC và hỏi TC làm như thế nào để không ảnh hưởng đến việc học.

TC cố gắng quên, không liên lạc với bạn gái nữa, chú tâm vào việc học. Tuy nhiên, TC lại nói rằng “em sẽ thử một thời gian xem sao”.

TVV hỏi “thử học hay thử quên bạn gái”, TC nói “cả hai”.

TVV cho rằng TC chưa tin mình, chưa hiểu mình đang muốn gì, đang cần gì và đề nghị TC suy nghĩ thêm về chuyện này.

Cuối phiên, TC cảm ơn TVV. TVV khuyến khích TC gặp chuyên viên tâm lý bên Canada để được giúp đỡ.

Chân thành cảm ơn các cô và các bạn!

Hoàng Thị Tâm